0 - 120,000 đ        

Nguyên nhân mụn nội tiết và bí quyết điều trị tận gốc

Mụn nội tiết là thuật ngữ được sử dụng để chỉ loại mụn trứng cá có liên quan đến sự thay đổi nội tiết trong cơ thể. Mụn nội tiết có thể xảy ra ở cả nam và nữ, thường khó điều trị vì không đáp ứng tốt với những phương pháp điều trị thông thường. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu chi tiết về mụn nội tiết cũng như cách trị mụn bằng phương pháp nội tiết tố.


Mụn nội tiết là gì?

Mụn nội tiết hay mụn trứng cá ở người trưởng thành là một loại mụn phổ biến có nguyên nhân từ tình trạng gia tăng sản xuất hormone androgen trong cơ thể. Hormone androgen kích thích tình trạng tăng tiết bã nhờn trên da kết hợp với bụi bẩn và tế bào chết làm bít tắc lỗ chân lông.

Khi tuyến bã nhờn trên da bị tắc nghẽn, vi khuẩn P. acnes có thể phát triển và gây viêm nhiễm, dẫn đến sự hình thành của các nốt mụn đỏ, mủ và sưng tấy. Mụn nội tiết có thể xuất hiện trên mặt, cổ, lưng, ngực và thường gây ra cảm giác khó chịu và mất tự tin.

Nhận biết các mức độ của mụn nội tiết

Trên lâm sàng, mụn được phân loại thành 6 mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng, dựa trên số lượng, kích thước, mức độ viêm của các nốt mụn trên da. Các mức độ này bao gồm:

  • Mức độ 0: không có mụn hoặc chỉ có rất ít mụn nhỏ.

  • Mức độ 1: khó nhìn thấy từ khoảng cách 2.5 mét. Một vài mụn nhỏ và vài nốt sưng nhỏ.

  • Mức độ 2: mụn chỉ xuất hiện ở một khu vực (có thể xuất hiện trên mặt, ngực hoặc lưng), dễ nhận biết, nhiều mụn đầu đen và mụn viêm.

  • Mức độ 3: mụn xuất hiện nhiều hơn một khu vực. Nhiều mụn đầu đen và mụn viêm.

  • Mức độ 4: mụn xuất hiện ở mặt, ngực và lưng. Nhiều mụn, nhiều nốt sẩn và mụn mủ, xuất hiện một số u nang.

Cách nhận biết mụn nội tiết

Mụn nội tiết thường là mụn trứng cá khởi phát ở người lớn, xuất hiện nhiều hơn ở nam vào độ tuổi dậy thì, phụ nữ trưởng thành, tiền kinh nguyệt hoặc giai đoạn mãn kinh.

Mụn nội tiết thường ở dạng nang, nốt sâu, xuất hiện chủ yếu ở vùng cằm và xung quanh hàm, dù có thể xuất hiện ở các vùng khác trên khuôn mặt. Nó thường có đáp ứng kém với các phương pháp điều trị tại chỗ như acid salicylic hoặc benzoyl peroxide.

Ở phụ nữ trưởng thành, mụn nội tiết có thể liên quan hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) dẫn đến sản xuất nhiều hormone androgen. Hội chứng này bao gồm các biểu hiện như da dầu nhiều, mụn trứng cá, rậm lông, rụng tóc, rối loạn kinh nguyệt, béo phì… cần được chẩn đoán xác định bằng các thông số xét nghiệm máu cụ thể.

Các giai đoạn dễ mắc bệnh mụn nội tiết

Mụn nội tiết thường xuất hiện ở những giai đoạn mà cơ thể có sự thay đổi lớn về hormone. Dưới đây là ba giai đoạn phổ biến dễ gây mụn nội tiết:

  • Tuổi dậy thì: ở giai đoạn này, cơ thể bắt đầu sản sinh nhiều hormone tăng trưởng (IGF-1) và hormone giới tính, đặc biệt là androgen. Hormone androgen kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, làm tăng lượng dầu ở lỗ chân lông, dẫn đến mụn. Nam giới ở tuổi dậy thì thường bị mụn nhiều hơn nữ.

  • Giai đoạn mang thai: trong thời gian mang thai, cơ thể phụ nữ tiết ra một lượng lớn progesterone để hỗ trợ sự phát triển của bào thai. Tuy nhiên, progesterone cũng khiến tuyến bã nhờn tăng tiết dầu và làm tắc nghẽn lỗ chân lông, dẫn đến mụn nội tiết.

  • Giai đoạn trưởng thành và mãn kinh ở phụ nữ: theo một khảo sát, khoảng 35% phụ nữ từ 30 – 40 tuổi, 26.3% phụ nữ từ 40 – 49 tuổi, và 15% phụ nữ trên 50 tuổi gặp vấn đề về mụn. Nữ giới bị mụn bất thường ở độ tuổi trưởng thành nên kiểm tra tình trạng nội tiết. 

Các phương pháp điều trị mụn nội tiết phổ biến

Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống

Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có thể giúp điều trị mụn nội tiết bằng cách giảm thiểu các yếu tố gây mụn:

  • Giảm đường: nhiều nghiên cứu cho thấy rằng đường và thực phẩm có chỉ số đường cao có thể làm tăng sự sản xuất hormone insulin, kích thích sản xuất nhiều bã nhờn gây ra mụn.

  • Giảm sản phẩm từ sữa: các sản phẩm từ sữa, đặc biệt là sữa tách béo có thể kích thích sự bùng phát mụn.

  • Ăn nhiều chất béo tốt: chất béo tốt như omega-3 có trong cá hồi, hạt hạnh nhân có thể giúp giảm viêm.

Dùng thuốc bôi ngoài da

Dù được cho là có đáp ứng kém với các loại thuốc bôi ngoài da, có thể dùng các sản phẩm chứa các hoạt chất sau để điều trị mụn nội tiết mức độ nhẹ (mức độ 0, 1, 2) như:

  • Benzoyl peroxide (BPO): là hợp chất có tác dụng làm giảm mụn nhờ khả năng giải phóng gốc oxy tự do giúp tiêu diệt vi khuẩn P. acnes. BPO không gây đề kháng và có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với các thuốc khác như retinoid hay kháng sinh.

  • Retinoid: là các chất có nguồn gốc từ vitamin A, có tác dụng làm giảm sự tăng sinh của tế bào biểu bì, giảm sự tắc nghẽn của lỗ chân lông và có khả năng kháng viêm. Các hoạt chất retinoid dùng để điều trị mụn là tretinoin, adapalene và tazarotene. Retinoid có thể gây kích ứng da, đỏ da, khô da và tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Retinoid có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với BPO hay kháng sinh.

Điều trị nội tiết tố

Mụn nội tiết mức độ trung bình và nặng, hoặc kéo dài dai dẳng kháng trị với các phương pháp thông thường có thể cần được điều trị với các thuốc tác động vào hệ thống nội tiết bao gồm:

  • Thuốc tránh thai kết hợp đường uống có chứa ethinyl estradiol: làm giảm sản xuất androgen ở buồng trứng và giảm hoạt động thụ thể androgen, giúp giảm mụn.

  • Spironolacton: là một loại thuốc đối kháng thụ thể aldosterone, giúp giảm sản xuất androgen và ức chế liên kết tại thụ thể androgen trong da.

Chăm sóc da bị mụn nội tiết đúng cách

Khi bị mụn, chăm sóc da đúng cách là rất quan trọng để giảm thiểu tình trạng mụn và giữ cho da khỏe mạnh. Việc chăm sóc da đúng cách bao gồm các biện pháp sau:

  • Sử dụng sản phẩm làm sạch da nhẹ nhàng: nên chọn sản phẩm làm sạch da nhẹ nhàng và không gây kích ứng cho da, tránh sử dụng sản phẩm làm sạch da chứa cồn hoặc hóa chất có thể làm khô da.

  • Không nặn mụn: tự nặn mụn có thể làm mụn phát triển nhanh hơn và gây sẹo. Chỉ nặn mụn không thể giải quyết triệt để nguyên nhân gây mụn, vì vậy nên tư vấn với Bác sĩ Da liễu để được điều trị đúng cách.

  • Sử dụng sản phẩm trị mụn: sử dụng sản phẩm có chứa các thành phần như acid salicylic, benzoyl peroxide hoặc retinoid có thể giúp giảm viêm và làm sạch lỗ chân lông.

Tóm lại, khác với các loại mụn thông thường, mụn nội tiết là một loại mụn trứng cá kết hợp đa yếu tố, trong đó có những bệnh lý phức tạp liên quan đến rối loạn nội tiết. Chính vì vậy tình trạng này cần được điều trị toàn diện và đúng nguyên nhân. Nếu đã áp dụng những biện pháp chăm sóc da như trên mà tình trạng mụn không thuyên giảm, hãy liên hệ ngay với Doctor Acnes để được tư vấn và điều trị kịp thời nhé.
Xem thêm: viên uống mụn nội tiết

Phòng Khám Da Liễu Doctor Acnes:

  • Địa chỉ: 283/34 Cách Mạng Tháng 8, P.12, Q.10, Thành phố Hồ Chí Minh.

  • Hotline: 07 0838 0878.

Nguồn: https://doctoracnes.com/dieu-tri-mun-noi-tiet/

 
TIN TỨC KHÁC
  • Vui lòng đợi ...

    Đặt mua sản phẩm

    Xem nhanh sản phẩm